Kiến trúc Chùa Huệ Trạch

Chùa hiện còn ba tòa nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tòa thượng điện được ngăn cách với khối kiến trúc phía trước bằng một rãnh thoát nước nhỏ, vì thể cả mái và nền của thượng điện thực ra đã được xây dựng tách riêng với khối kiến trúc phía trước.

  • Tòa tiền đường: gồm 5 gian, 2 chái, có quy mô lớn nhất, với chiều dài 19,6m, chiều rộng 7,95m. Nhà xây bốn mái, có tường bao quanh, bốn góc mái là bốn đầu đao cong vút, trên bờ nóc mái có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, ở giữa là ba chức Hán lớn: “Huệ tự Trạch”. Bộ khung gỗ lim còn khá chắc chắn, có kết cấu theo kiểu chồng rường - giá chiêng, tiền bảy, hậu bảy. Riêng hai vì giữa, phần khung gỗ phía trên câu đầu và các xà đùi không phải là kết cấu con chồng, mà được thay bằng các mảng cốn để thực hiện các đồ án trang trí trên đó.
  • Tòa thiêu hương: gồm 3 gian, kết nối với tòa tiền đường bằng 2 gian ống muống. Bộ khung gỗ của tòa này cũng được làm theo kiểu chồng rường - giá chiêng, nhưng quy mô nhỏ hơn tòa tiền đường.
  • Tòa thượng điện: gồm 3 gian, nằm tiếp sau tòa thiêu hương. Đây là tòa nhà có kiểu dáng kiến trúc khá đẹp, theo kiểu nhà chồng diêm 8 mái - 8 góc mái là 8 đầu đao cong thanh thoát, khiến tổng thể công trình như một bông sen lớn, với các cánh sen là những đầu đao đang vươn nở giữa không trung, dâng lên cõi Phật. Phần khung gỗ của tòa này có kết cấu theo kiểu kẻ truyền, đơn giản nhưng khá chắc chắn[2].

Ngoài Tượng Pháp Thông và hai đạo sắc phong, chùa còn hệ thống tượng thờ phong phú cùng nhiều đồ thờ tự và các di vật tiêu biểu là: 30 pho tượng Phật, tượng Đức Thánh Tải (niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX), ngai gỗ thời Lê, hai bia đá khắc năm 1679 và 1876, chuông đồng Huệ Trạch tự chung đúc năm 1826 và nhiều đồ thờ tự bằng gỗ, đá, kim loại khác[3].

Với những giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu, chùa Xuân Quan được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thông tin và thể thao công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp Quốc Gia từ năm 1992[1].